Nhà giáo được tôn vinh chính từ lòng yêu thương của họ đối với học trò. Nhà giáo mà không yêu thương học trò thì không chỉ học trò chịu thiệt thòi,êuthươnghọctròbocchi the rock mà bản thân nhà giáo cũng không trở thành người thầy theo đúng nghĩa sâu xa của nó.
Từ xưa, danh hiệu người thầy đã được xã hội vô cùng kính trọng. "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", dạy một chữ là thầy, dạy nửa chữ cũng là thầy. Đó là điều có thật.
Cha tôi, hồi còn nhỏ đi học chữ nho trong làng với một "ông giáo làng" tên là ông giáo Lược. Bao nhiêu năm sau, khi tập kết ra Bắc, khi Mỹ đánh vào Hà Nội, trong nghèo khổ vì chiến tranh, cha tôi vẫn luôn nhớ tới người thầy "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" của mình. Tình thầy trò thương yêu sâu đậm cho tới lúc người thầy ấy qua đời tại Hà Nội. Cha tôi đã đứng ra làm tang lễ cho thầy.
Chính vì vậy, cải cách giáo dục chủ trương lấy học sinh làm trung tâm, không có nghĩa là thầy giáo (và cô giáo) lùi xuống thành "nhân vật phụ", mà đây chỉ nhấn mạnh về sự quan tâm, về tình yêu thương của thầy cô giáo đối với học sinh, một sự quan tâm khá toàn diện, còn tình yêu thương thì sâu sắc và trong sáng.
Một người thầy là GS, hiệu trưởng một trường ĐH lớn ở VN đã tâm sự: "Một giáo viên đánh học sinh được truyền thông nhắc đi nhắc lại quá nhiều, trong khi một người thầy thương binh miệt mài dạy học trò liệu có được truyền đi với tần số bằng 1/10 không?
Là người trong ngành và đi nhiều, tôi vô cùng trân trọng những người như thầy giáo thương binh đó. Họ thực sự đem lại hạnh phúc cho trẻ thơ. Truyền thông phải nhắc nhiều hơn những người thầy đó, những giáo viên ở các vùng nghèo, những thầy cô giáo cắm bản".
Tất nhiên không phải 100% thầy cô giáo đều là người thật sự tích cực, nhưng phải nói một cách công bằng, đại đa số thầy cô giáo là người biết yêu thương học trò, biết vì học trò mà đứng trên bục giảng.
Vì thế thầy cô giáo vẫn đóng vai trò chính trong quá trình học tập của học trò. Miễn là thầy cô giáo biết yêu thương học trò, và học trò biết kính trọng thầy cô giáo.
Tình yêu thương của những thầy cô sẽ nâng tầm trách nhiệm của họ, trong đó có cả trách nhiệm đối với xã hội. Dạy dỗ học sinh thành người tử tế, là đã giúp cho xã hội trở nên trong sạch, tốt đẹp hơn rất nhiều.
Tôi thật sự kính phục thầy cô giáo dạy học ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn đói nghèo. Chính những thầy cô giáo đó là những tấm gương lớn cho học trò vì họ biết thương yêu học trò, giúp đỡ học trò từ những việc nhỏ nhất để học sinh tìm thấy niềm vui và tình cảm ấm áp trong học tập. Những em học sinh nghèo khổ ấy sau này sẽ là những công dân tốt, biết phấn đấu vươn lên, biết tìm cách thoát nghèo cho mình và gia đình. Trách nhiệm của thầy cô giáo là ở đó.
Tình yêu thương sẽ giúp thầy cô giáo nâng tầm trách nhiệm của mình với nhiều thế hệ học trò, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn, vươn lên trên tinh thần "Thầy cô dạy tốt, học sinh học tốt". Dạy tốt ở đây gồm cả đạo đức và học tốt để thành người tử tế.